Công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 20221-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Cập nhật lúc: 1/30/2024 1:59:00 PM
Sáng 30/1, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (Thành phố Phủ Lý). Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu dự buổi lễ
Dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố lân cận trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Về phía tỉnh Hà Nam có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy; Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố…
Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, đại biểu Bộ, ngành Trung ương dự buổi lễ
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1686-QĐ/TTg ngày 26/12/2023. Theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thể hiện “tư duy mới, tầm nhìn mới”, phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam.
Tầm nhìn và Mục tiêu phát triển của tỉnh Hà Nam
Theo đó, Hà Nam lựa chọn 3 đột phá phát triển gồm: Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ); 5 trụ cột tăng trưởng kinh tế gồm: Phát triển công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Phát triển công nghệ cao, trọng tâm là phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam; Khai thác và phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch; tập trunng phát triển Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc; Mở rộng không gian đô thị, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng khung đô thị, tạo động lực phát triển thương mại, dịch vụ và logistics; Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu “Đến năm 2030 xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng; tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Nhiệm vụ và Mục tiêu chiến lược của Hà Nam trong quá trình triển khai Quy hoạch
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến mục tiêu cuối cùng là người dân Hà Nam trong tương lai sẽ được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, tỉnh Hà Nam cần chú trọng thúc đẩy nhanh chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ cao. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tỉnh cần quy hoạch vùng nuôi trồng và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất an toàn, hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các đô thị. Trong phát triển công nghiệp, cần triển khai đồng bộ, quyết liệt việc tái sử dụng, tái chế chất thải rắn, nước thải đô thị, công nghiệp, làng nghề bằng công nghệ hiện đại.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ.
Quy hoạch và Phát triển đô thị ở Hà Nam
Tỉnh đẩy mạnh phát triển chuỗi đô thị vệ tinh để tận dụng lợi thế của vùng thủ đô và hệ thống hạ tầng kết nối; Đảm bảo quỹ đất cho phát triển đô theo chức năng như đô thị đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, y tế.
Để thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sử dung hiệu quả các nguồn tài nguyên, Hà Nam cần tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án y tế, giáo dục đang đầu tư trên địa bàn; Thu hút các trường đại học, bệnh viện, cơ quan nghiên cứu đầu tư các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ y tế, sức khỏe, giáo dục, đào tạo chất lượng cao của Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy phát biểu tại buổi lễ.
Hà Nam cần ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, hạ tầng số, logistics; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, có tính lan tỏa lớn,…; Phát triển hạ tầng xã hội, không gian văn hóa công cộng đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân; Khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa trung tâm…, để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xây dựng chính quyền số gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Công viên chủ đề kết hợp nhà ở tại Thành phố Phủ Lý cho Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Hà Nội Xanh (thành viên Tập đoàn Sun Group).
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy trân trọng cảm ơn và xin được tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh đã được công bố. Đồng thời khẳng định, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy nội lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển tỉnh Hà Nam theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương dành cho tỉnh Hà Nam và nguyện vọng của cộng đồng Doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Nam thực hiện nghi lễ khởi công Dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang (Thành phố Phủ Lý).
Cũng trong sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã dự lễ khởi công giai đoạn I Tổ hợp dự án Khu đô thị mới Bắc Châu Giang quy mô 404 ha, tổng mức đầu tư 35.000 tỷ đồng. Đây là dự án sẽ được Sun Group đầu tư xây dựng tại Hà Nam. Tổ hợp này gồm các hạng mục: Công viên chủ đề kết hợp nhà ở 26ha, Khu đô thị sinh thái Bắc Châu Giang 176ha; Khu đô thị thời đại và đổi mới sáng tạo hơn 202ha.